Thời báo kinh tế Việt Nam số 187 (2810)
Phóng viên Nguyễn Hoài thực hiện
Hỏi: Ông có thể cho biết tới nay ‘’911’’ đã triển khai dịch vụ với những ngân hàng nào?
Đáp: Tháng 10/2008 911 đã thành công đấu thầu công khai gói thầu bảo trì hệ thống máy tính (PC) cho ngân hàng Techcombank trên toàn quốc. Hết hạn hợp đồng chúng tôi tiếp tục ký với Techcombank gói dịch vụ bảo trì bảo dưỡng hệ thống máy tính nhưng với điều kiện mở rộng hơn như bảo trì toàn bộ hệ thống gồm 6.000 máy tính, hỗ trợ kỹ thuật,…Tiếp đó trong tháng 7/2009 thì 911 đã ký hợp đồng bảo trì, vệ sinh công nghiệp máy tính với ngân hành thương mại cổ phần An Bình (ABBank)
Hỏi: Cung cấp dịch vụ cứu hộ và đảm bảo an ninh hệ thống máy tính ở các ngân hàng có gì khác biệt so với các lĩnh vực khác, thưa ông ?
Đáp: Hệ thống máy tính của các ngân hàng vô cùng quan trọng để đảm bảo và duy trì ổn định hoạt động của cả hệ thống. Đối với các lĩnh vực khác, một vài máy tính bị hỏng hóc, dính spyware hay virus tấn công có thể chưa ảnh hưởng tức thời đến toàn bộ hệ thống nhưng với hoạt động ngân hàng thì không.
Kinh doanh ngân hàng là kinh doanh thông tin. Từ máy tính, bất chấp khoảng cách địa lý hàng nghìn km, người quản trị có thể ra những lệnh cần thiết điều hoà dòng vốn từ nơi thừa đến nơi thiếu trong cùng một hệ thống trên cả nước.
Không những thế, cơ chế điều hành hoạt động hiện nay tại các ngân hàng từ Hội sở đến chi nhánh phần lớn đều online qua mạng diện rộng WAN. Nếu có một máy tính hay mạng nội bộ gặp sự cố chỉ 15 – 20 phút, hoạt động của ngân hàng sẽ bị tổn thương, khách hàng bị thiệt hại, uy tín của ngân hàng giảm sút, nhất là tại thời điểm giao dịch sôi động nhưng chuyển tiền, thanh toán tiền,…
Hỏi: Nhưng các ngân hàng không nhất thiết phải mua dịch vụ này thì hệ thống máy tính của họ mới an toàn và ổn định bởi họ cũng có bộ phận công nghệ thông tin để xử lý sự cố?
Đáp: Tất nhiên các ngân hàng đều có bộ phận CNTT để duy trì hoạt động của hệ thống máy tính và mua hay không mua dịch vụ của 911 là quyền của họ.
Tuy nhiên bộ phận CNTT của các ngân hàng phần lớn chỉ tập trung triển khai phần mềm lõi ngân hàng (core banking) và những vấn đề bảo mật tổng thể. Nhiều khi họ quá tải trong việc xử lý sự cố máy tính, sự cố mạng của toàn bộ hệ thống ngân hàng trên phạm vụ cả nước. Trong khi đó, mạng lưới của 911 hiện có mặt tại trung tâm 32 tỉnh thành khắp cả nước – nơi mà hoạt động ngân hàng diễn ra sôi nổi nhất. Có thể nói, ở đâu có ngân hàng ở đó có 911. Chưa kể, chúng tôi sở hữu một bộ ‘’chuẩn công nghệ’’ bao gồm từ trình độ chuyên viên, quy trình xử lý sự cố, thiết bị thay thế,… một cách chuyên nghiệp. Xét về mặt chi phí, sẽ tiết kiệm và bền vững hơn rất nhiều nếu các ngân hàng đầu tư một bộ máy duy trì, bảo dưỡng và đảm bảo an ninh mạng máy tính trên toàn bộ hệ thống.
Hỏi: Các nguy cơ mất an toàn đối với hệ thống máy tính ngân hàng thường đến từ đâu? Các cán bộ IT các ngân hàng có thể theo dõi được quá trình tác nghiệp của nhân viên 911 không, thưa ông?
Đáp: Hiện nay, các máy tính ngân hàng đều nối mạng diện rộng WAN, một số khác kết nối Internet. Do đó, nguy cơ mất an toàn đối với hệ thống này có thể đến từ Internet, quá trình sử dụng thiết bị ngoại vi và các lỗi thường gặp là sự cố hệ điều hành Windows, spyware, virus tấn công, lỗi phần mềm kết nối với máy chủ… Mặc dù các ngân hàng đều có bộ phận IT ở Hội sở chính sẵn sàng can thiệp sâu vào vấn đề bảo mật mỗi khi cần nhưng vai trò của chúng tôi là ‘’dọn sạch cỏ dại’’ cho cả hệ thống máy tính để bộ phận IT của ngân hàng làm các bước tiếp theo trong vấn đề bảo mật.
Khi khách hàng hợp tác với 911, chúng tôi tuân thủ đạo đức nghề nghiệp là ‘’giữ bí mật thông tin khi hành nghề’’ và nguyên tắc này luôn đảm bảo độc lập, xuyên suốt trên toàn bộ hệ thống 911. Ngoài ra chúng tôi cũng có hẳn quy trình nên cán bộ IT ngân hàng luôn theo dõi và kiểm soát hoàn toàn quá trình khắc phục sự cố máy tính của 911, thống kê số lỗi phát sinh, tỷ lệ khắc phục thành công lỗi thông qua hệ thống báo cáo.